Vì sao nhà giàu làm từ thiện?

Huy Trần

TS Hans Peter Schmitz và TS Elena M. McCollim ở Đại học San Diego (Mỹ) đã nghiên cứu thư cam kết của các nhà tài trợ tham gia sáng kiến "Cam kết cho đi" do các tỉ phú Warren Buffett, Bill Gates và bà Melinda (vợ cũ) sáng lập. Kết quả nghiên cứu xác định có bốn động cơ làm từ thiện chính.

Từ thiện là con dao hai lưỡi vì từ thiện có thể trở thành công cụ để các nhà tài trợ đánh bóng tên tuổi, khoe khoang với đời, thậm chí là tiền đề mở rộng ảnh hưởng trong lĩnh vực công. Dưới đây là 4 lý do chính theo TS Hans Pêtr Schmitz và TS Elena McCollin:

Muốn tạo khác biệt (40,82% số thư cam kết): Các nhà tài trợ tin rằng họ có nghĩa vụ cải thiện cuộc sống người khác bằng tài năng và tài sản của họ. Họ đánh giá cao nỗ lực bản thân và thường chỉ trích nhà nước làm việc chậm chạp, kém hiệu quả. Nhiều nghiên cứu đánh giá động cơ nêu trên thường mang tính chất thái quá.

Tri ân cộng đồng, mong muốn đền đáp (39,80%): Động cơ mong muốn đền đáp có thể xuất phát từ nhiều nhận thức khác nhau như càng giàu càng phải đóng góp nhiều hơn cho xã hội, cần phải tri ân cộng đồng vì nhờ may mắn mình mới giàu có. Thư của vợ chồng tỉ phú Seth A. Klarman viết: "Hệ thống tự do kinh doanh của Mỹ đã giúp chúng tôi thành công ngoài sức tưởng tượng. Chúng tôi tin rằng phải có nghĩa vụ cho đi để cải thiện cuộc sống người khác".

Thỏa mãn cá nhân qua trải nghiệm (28,57%): Các nhà tài trợ cho rằng hoạt động từ thiện mang đến cho họ nhiều lợi ích về tình cảm và tâm lý. Tỉ phú John Caudwell (người Anh) nhận xét hoạt động từ thiện đã "trở thành liều thuốc mang lại niềm vui nhiều hơn cả làm giàu". Nữ tỉ phú Sara Blakely cảm thấy vui "khi bất ngờ đến thăm các tổ chức với tấm séc trong tay và tận mắt chứng kiến những giọt nước mắt".

Gắn kết gia đình với xã hội (25,51%): Một số nhà tài trợ cho rằng nhờ giáo dục của gia đình họ mới có được ý thức kinh doanh và lòng từ thiện. Thư của tỉ phú John Paul DeJoria kể: "Mẹ tôi đã cho anh tôi và tôi một xu. Bà bảo hai chúng tôi giữ lại để bỏ tiền vào cái chậu cạnh một người đàn ông lắc chuông". Tỉ phú Patrice Motsepe (người Nam Phi) viết: "Cha mẹ tôi là những người đã dạy cho tôi kinh doanh và tinh thần kinh doanh cũng như nghĩa vụ cho đi và chăm sóc người nghèo, người thiệt thòi".

Một số nhà từ thiện cho biết họ đã nhìn thấy con cái nhiều gia đình giàu có đã sa ngã, vì vậy họ mong muốn con cái của họ phải sống tự lập thân như cha mẹ và họ cho rằng để lại tài sản thừa kế quá nhiều có thể làm tổn hại đến tính cách con cái. Đặc biệt, các nhà giàu tự lập thân xem kinh nghiệm đi lên từ nghèo khổ trở thành giàu có của bản thân mình là điều có lợi cho con.

Tỉ phú Gerry Lenfest viết: "Theo quan điểm của chúng tôi, mang giàu có đến cho con cái khi chúng còn nhỏ hoặc chưa chào đời sẽ làm giảm bớt hoặc loại bỏ những thách thức xây dựng nhân cách chờ đợi chúng trong cuộc sống mà chúng sẽ phải đối mặt".

Ngoài bốn động cơ chính nêu trên, còn có năm động cơ thứ yếu gồm ý thức về trách nhiệm quản lý của cải (13,27%), của cải dư thừa là phù du sau khi chết (10,71%), không muốn con cái mang gánh nặng thừa kế (10,20%), mong muốn để lại di sản cho đời (7,65%), làm từ thiện vì niềm tin tôn giáo (7,65%). Phía sau đồng tiền cho đi cũng có nhiều câu chuyện...