Giới siêu giàu Hồng Kông bán nhà riêng để trả nợ

Các gia đình giàu có ở Hồng Kông đang nỗ lực thích nghi để vượt qua những biến động khó đoán của thị trường. Thậm chí, nhiều gia đình phải bán nhà để giảm bớt gánh nặng nợ nần.

ban-nha-tra-no-1747990555.png

Căn biệt thự hướng biển từng thuộc sở hữu của doanh nhân giàu có Chan Ping Che hiện đã bị ngân hàng tiếp quản và rao bán với giá 430 triệu đôla Hồng Kông, tương đương 55 triệu USD.

Ông Chan, được biết đến với biệt danh "Vua băng cát-sét" của Hồng Kông, thừa nhận đã không thể trả khoản vay khoảng 350 triệu đôla Hồng Kông, bao gồm cả gốc và lãi, vay từ ngân hàng Fubon Hong Kong đầu năm nay. Tháng trước, ngân hàng đã chính thức tiếp quản căn biệt thự mà ông cùng gia đình sinh sống từ những năm 1980. Ông Chan cho biết ông đã cố gắng bán bất động sản này từ cuối năm 2023 nhưng chưa tìm được người mua.

Doanh nhân này từng đầu tư mạnh vào lĩnh vực bất động sản Hồng Kông, bao gồm các toà nhà dân cư, cửa hàng bán lẻ và bãi đậu xe. Ông nổi tiếng trong giới bất động sản từ năm 2017 khi cùng một tập đoàn khác chi 5,2 tỷ USD để sở hữu hầu hết các tầng của tòa nhà Center ở khu trung tâm.

Năm ngoái, ông đã bán hai tầng của tòa nhà này cho ngân hàng DBS với giá hơn 1,3 tỷ đôla Hồng Kông, theo hồ sơ đăng ký đất đai. Tuy nhiên, báo chí địa phương cho biết số tiền bán ra thấp hơn so với giá ông đã mua trước đó.

Cùng thời điểm, ông Jacinto Tong, tổng giám đốc công ty đầu tư Gale Well Group, cũng đã bán căn hộ áp mái của mình với giá 138 triệu đôla Hồng Kông, theo hồ sơ đất đai. Ông Tong cùng chị gái Rita Tong đã rao bán các bất động sản trị giá khoảng 2,2 tỷ đôla Hồng Kông trong năm nay, theo dữ liệu tổng hợp của Bloomberg. Trong một bài đăng trên Facebook hồi tháng 11 về việc bán khách sạn, ông nhấn mạnh rằng việc kiếm tiền hay báo lỗ không quan trọng bằng việc tránh bị âm vốn chủ sở hữu.

Ngoài ra, gia tộc nổi tiếng do ông Ho Shung Pun đứng đầu cũng đã bán 7 căn nhà hạng sang tại khu vực The Peak vào năm ngoái để trả các khoản vay cá nhân.

Thị trường bất động sản Hồng Kông đang chứng kiến nhiều vụ bán tháo biệt thự sau thời gian dài lãi suất cao và suy thoái. Dù chi phí vay vốn gần đây có dấu hiệu giảm, giá nhà vẫn duy trì ở mức thấp nhất trong 8 năm, theo chỉ số Centaline Property Centa-City Leading Index. Công ty Colliers International Group cũng dự báo tỷ lệ văn phòng hạng sang bỏ trống tại thành phố sẽ tăng, kéo theo giá thuê giảm từ 8 đến 10% trong năm nay.

Chuyên gia Christopher So, đối tác tại PricewaterhouseCoopers Hong Kong, giải thích rằng nhiều người sử dụng đòn bẩy tài chính để mua thêm bất động sản nhằm tăng lợi nhuận khi giá tăng. Tuy nhiên, khi giá giảm, họ sẽ chịu tổn thất lớn hơn. Thị trường yếu làm giảm nhu cầu thuê và lợi nhuận, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ, dẫn đến tỷ lệ vỡ nợ tăng cao.

Làn sóng bán tháo tài sản đang tạo áp lực lớn cho thị trường bất động sản Hồng Kông, vốn đang trải qua đợt suy thoái kéo dài. Theo dữ liệu chính quyền địa phương, giá nhà tại đây đã giảm 29% so với đỉnh điểm năm 2021. Tính đến cuối tháng 3, số hộ gia đình bị âm vốn chủ sở hữu, tức giá trị tài sản thấp hơn khoản vay thế chấp, đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2003.

Báo cáo của Savills công bố tháng 3 cho thấy thị trường nhà hạng sang có dấu hiệu cải thiện từ quý cuối năm 2024 nhưng giá vẫn chưa phản ánh đúng tâm lý người mua do tồn đọng nhiều tài sản khó bán.