Tính đến tháng 9 năm ngoái, thế giới ghi nhận 8.030 công ty quản lý tài sản gia đình, với tổng giá trị tài sản quản lý đạt 3,1 nghìn tỷ USD, theo số liệu mới nhất từ Deloitte. Dự báo đến năm 2030, số lượng công ty trong lĩnh vực này sẽ tăng lên 10.720, đồng thời khối tài sản quản lý cũng tăng lên mức 5,4 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, theo báo cáo của McKinsey công bố vào tháng 2, ngành quản lý tài sản đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng. Đơn vị này ước tính đến năm 2034, với năng lực tư vấn hiện có, ngành sẽ thiếu khoảng 100.000 chuyên gia quản lý tài sản.
Theo báo cáo về thị trường văn phòng quản lý tài sản gia đình Bắc Mỹ do RBC và Campden Wealth công bố vào tháng 9 năm ngoái, nhiều công ty trong lĩnh vực này đang đối mặt với khó khăn lớn trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân sự.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các công ty quản lý tài sản gia đình tại châu Âu. Trong khi đó, tại châu Á, đặc biệt là ở Singapore, các doanh nghiệp cùng ngành đang chuyển hướng áp dụng tự động hóa quy trình làm việc và thuê ngoài nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực tại địa phương.
Các công ty quản lý tài sản gia đình còn phải cạnh tranh gay gắt với ngân hàng, công ty cổ phần tư nhân và quỹ đầu cơ để thu hút nhân tài hàng đầu. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nhân sự không chỉ xuất phát từ việc thiếu ứng viên đủ năng lực mà còn liên quan đến yêu cầu khắt khe trong tuyển chọn của chính các doanh nghiệp này.
Về lòng tin, một số công ty quản lý tài sản gia đình đặt tiêu chí này lên hàng đầu khi lựa chọn ứng viên phù hợp. Tobias Prestel, giám đốc điều hành của Prestel and Partner Family Office Conferences, chia sẻ với CNBC rằng trong ngành này, người được giao việc thường không phải là người giỏi nhất mà là người đáng tin cậy. Ông ví dụ, nếu bạn có 500 triệu USD, bạn sẽ giao trách nhiệm cho ai? Đây là quyết định rất khó khăn.
Ông Reto Jauch, đối tác tại SZ&J, cũng cho biết nhiều gia đình ưu tiên yếu tố tin tưởng hơn cả các tiêu chí khác khi lựa chọn nhân sự.
Về khả năng chịu rủi ro, các chuyên gia nhận định nhân viên trẻ thường ngại làm việc tại các công ty quản lý tài sản gia đình do cơ cấu tổ chức không rõ ràng. Iris Xu, người sáng lập Jenga – công ty chuyên tuyển dụng chuyên gia cho các văn phòng gia đình tại Singapore, cho biết các công ty này có vẻ rủi ro trong mắt ứng viên bởi thiếu minh bạch về cơ cấu, quy trình báo cáo và cơ hội thăng tiến.
Đặc biệt, vị trí cố vấn đầu tư ở các công ty quản lý tài sản gia đình khó tuyển dụng hơn so với các vị trí khác và nhân viên thường chỉ gắn bó trong khoảng một đến hai năm, bà Xu cho biết thêm.