Chưa đầy 30 tuổi, người trẻ TP.HCM cầm lái BMW, Mercedes-Benz

Vượng Nguyễn

Không ít người trẻ TP.HCM sở hữu các dòng xe hạng sang, từ Mercedes-Benz, BMW cho đến Lexus, Volvo. Họ nhận được sự hỗ trợ từ gia đình, vay ngân hàng hoặc mua xe qua sử dụng.

snapinstaapp-304908675-782415562956106-3459375728288531256-n-1080-1-4099-1712832430.jpg

Sở hữu ôtô hạng sang ở độ tuổi dưới 30 là ước mơ của nhiều người. Trong khi một số nhờ sự hỗ trợ của bố mẹ, nhiều người lại quyết định vay ngân hàng hoặc mua xe cũ.

Tri thức - ZNews trò chuyện với 5 người trẻ để ghi nhận câu chuyện về chiếc xe hơi mà họ cầm lái, từ Mercedes-Benz, BMW cho đến Lexus, Volvo. Cơ duyên sở hữu xe, trải nghiệm lái, bất tiện gặp phải là những vấn đề được các tài xế ôtô cao cấp này chia sẻ.

beb0ae04a88c07d25e9d-9190-1712832536.jpg

Diễm Quỳnh lái chiếc Volvo XC60 để đi học, đi làm.

Quà tặng sinh nhật

Diễm Quỳnh (22 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM)

Khi vừa tốt nghiệp cấp 3, tôi được bố mẹ nhường lại chiếc Ford Everest đời 2017 để tiện cho việc di chuyển đi học.

Nhà tôi ở quận Gò Vấp nhưng nơi làm việc lại ở TP Thủ Đức, còn trường đại học lại nằm ở quận Bình Thạnh. Việc di chuyển gần 30 km/ngày giữa 3 địa điểm bằng xe máy không thuận tiện, nhất là những khi thời tiết nắng gắt hay mưa lớn.

Tuy nhiên, chiếc xe này khá to và có phần hơi nam tính nên tôi ít khi sử dụng. Đến dịp sinh nhật năm 21 tuổi, gia đình tặng tôi thêm một chiếc Volvo XC60.

Nếu so với Mercedes-Benz GLC-Class hay BMW X3, Volvo XC60 có phần chững chạc hơn so với độ tuổi của tôi. Xe được thiết kế theo hướng Bắc Âu, phối màu nội thất nâu đen cổ điển. Tuy nhiên, đây là món quà được chị gái và bố lựa chọn nên tôi rất trân trọng.

Sau hơn 2 năm sử dụng XC60, tôi không gặp quá nhiều khó khăn. Xe vận hành rất êm, cốp sau rộng rãi, rất tiện cho những chuyến du lịch với bạn bè. Cửa sổ trời trên xe cũng là điểm khiến tôi tâm đắc.

Hiện tôi đã dọn ra ở riêng tại một chung cư trong quận trung tâm TP.HCM. Mỗi tháng, bên cạnh chi phí nhiên liệu, tôi cũng cần chi thêm khoảng 3 triệu đồng để gửi xe ở hầm đỗ ôtô của chung cư.

Tôi đã đặt mua một chiếc xe điện mới và đang đợi được giao xe trong tháng 4 này. Tôi rất hào hứng mong đợi. Đây cũng là một món quà mà gia đình dành tặng tôi. Chỉ khác là lần này, tôi góp 50% tiền mua xe.

d3213e0588aa27f47ebb-2780-1712832680.jpg

Hiển Thị sở hữu chiếc Mercedes C300, được hỗ trợ chi phí mua từ gia đình.

Hỗ trợ từ gia đình, tự lo chi phí 'nuôi xe'

Hiển Thị (26 tuổi, TP.HCM)

Năm 2021, do nhu cầu di chuyển tăng cao, gia đình tôi quyết định mua một chiếc xe hơi.

Bởi là người cầm lái chính, tôi thuyết phục cả nhà lựa chọn Mercedes-Benz C300. Là một nhà sáng tạo nội dung, làm công việc cần di chuyển và gặp gỡ nhiều người, tôi cần một mẫu xe đủ “lực” để phục vụ nhu cầu sử dụng.

Tuy không có thiết kế và cảm giác lái quá “bốc” như BMW hay Audi, chiếc xe này lại cân bằng giữa 2 yếu tố thể thao và sang trọng. Tôi cũng không phải fan của tốc độ. Do đó, C300 là lựa chọn phù hợp nhất.

Dù chưa thể tự mua ôtô, tôi có thể nuôi xe với tiền lương của mình. Với nhu cầu sử dụng khá ít, số ODO chỉ khoảng 30.000 km nên chi phí bảo dưỡng xe chỉ khoảng 5 triệu đồng/lần.

Tuy nhiên, khi gặp sự cố về lốp xe, chi phí thay khoảng 5-6 triệu đồng/lốp. Đây cũng là khoản tốn kém nhất mà tôi thường xuyên phải chi. Ngoài ra, do nhà không có chỗ đỗ xe, mỗi tháng tôi tốn thêm 1,7 triệu đồng gửi bãi. Tiền xăng, chi phí cầu đường dao động 2-2,5 triệu đồng.

Nếu có điều kiện mua thêm xe khác, tôi dự định đổi sang một chiếc xe gầm cao, rộng rãi hơn để phù hợp với điều kiện đường xá ở Việt Nam. Dù mang đến cảm giác lái thích hơn, sedan gặp nhiều bất tiện khi di chuyển ở địa hình gồ ghề và trong những ngày mưa ngập.

Nhưng ngay cả khi sắm xe mới, tôi sẽ không bán chiếc Mercedes C300. Với tốc độ trượt giá của xe sang, tôi sợ sẽ lỗ quá nhiều.

434602526-347743747757586-1428850405332543796-n-3944-1-1712833780.jpg

Quốc Phong được bố mẹ tặng chiếc Mercedes C300 AMG khi tốt nghiệp cấp 3.

Quà chúc mừng tân sinh viên

Quốc Phong (23 tuổi, TP.HCM)

Năm 2020, tôi được bố mẹ tặng chiếc Mercedes-Benz C300 AMG như một món quà nhập học cho tân sinh viên. "Chiến mã" này giúp quãng đường đi học hơn 10 km của tôi bớt khói bụi, nắng mưa hơn.

Thời điểm đó, chiếc C300 AMG có giá hơn 2 tỷ đồng, bao gồm cả chi phí lăn bánh.

Đúng như những gì tôi từng mơ ước từ hồi học cấp 3, cảm giác lái chiếc xe này rất thích. Nội thất được phối đẹp mắt và nổi bật với 2 màu đỏ - đen.

Chi phí bảo dưỡng, cầu đường dao động khoảng 10 triệu đồng/tháng. Nhưng tôi thấy mức chi phí này không quá đắt. Vốn dĩ, khi mua một chiếc xe sang, chủ xế hộp đồng thời phải chấp nhận chi nhiều hơn cho khoản chăm sóc ôtô.

Đường phố tại TP.HCM mới là trở ngại lớn nhất. Khu vực trung tâm có ít vị trí cho phép dừng/đỗ xe, nên có phần bất tiện.

Sau 3 năm cầm lái, tôi thấy rằng chiếc xe là lựa chọn hợp lý nhất ở tầm giá 2 tỷ đồng, với hàng loạt điểm mạnh từ thiết kế đến động cơ. Hiện tôi vẫn chưa có nhu cầu mua thêm một mẫu xe khác. Nhưng đây sẽ là bước đệm để tôi sở hữu thêm nhiều ôtô trong tương lai.

970df1b36e13c14d9802-4086-1712833870.jpg

Văn Công vay ngân hàng để tậu chiếc Lexus Luxury phục vụ nhu cầu sử dụng.

Vay ngân hàng

Văn Công (30 tuổi, TP.HCM)

Lexus là dòng xe yêu thích của tôi. Từ lâu, tôi luôn ấn tượng với thương hiệu xe Nhật Bản này vì độ bền của máy móc và ngoại thất sang trọng, phù hợp với mọi lứa tuổi.

Hiện nay, tôi đang cầm lái một chiếc Lexus Luxury đời 2023. Giá thành lăn bánh của mẫu ôtô này là 5 tỷ đồng.

Tôi chỉ trả trước 50% giá trị chiếc xe, vay ngân hàng số tiền còn lại. Mức lãi suất vay mà tôi phải chi trả là 6,8%/năm. Tôi chấp nhận trả lãi ngân hàng để sớm rinh chiếc xe yêu thích về.

Đặc thù công việc phải di chuyển xa, đi công tác liên tỉnh, tôi có cơ hội trải nghiệm Lexus Luxury trong những hành trình dài. Cầm lái chiếc xe này, tôi nhận thấy máy khá êm, tương đối ổn định, phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Đặc biệt, hệ thống tự động cũng hoạt động tốt, đảm bảo sự an toàn cho tài xế trong suốt quá trình tham gia giao thông.

Sở hữu dòng xe sang trọng, tôi luôn lo lắng những tình huống va chạm trên đường phố. Tôi phải đặc biệt cẩn trọng khi đỗ xe, tránh gây trầy xước thân vỏ, dẫn đến chi phí sửa chữa cao. Giá thành linh kiện, bảo dưỡng chiếc Lexus này tương đối đắt đỏ, ngốn một khoản lớn.

Ngoài ra, phí dành cho các loại bảo hiểm như bảo hiểm vật chất, bảo hiểm thân vỏ cũng khiến tôi phải cân đo đong đếm.

Dù phải cân đối chi phí “nuôi” xe sang, tôi vẫn mong muốn sở hữu thêm những dòng xế hộp cao cấp khác như Porsche hay Mercedes-Benz, mong muốn sớm cầm lái các dòng ôtô này trong tương lai.

64f5a43cad9d02c35b8c-3807-1712833972.jpg

Hùng Cường hài lòng với chiếc BMW 320i đã qua sử dụng.

Mua xe qua tay

Hùng Cường (30 tuổi, TP.HCM)

Biết tin người thân bán lại chiếc BMW 320i với mức giá 800 triệu đồng, tôi nhanh chóng hỏi mua. Do có nguồn tài chính ổn định, tôi không vay ngân hàng, trả 100% toàn bộ chi phí.

Vốn đam mê dòng xe thể thao, tôi đặc biệt hào hứng khi cầm vô lăng chiếc BMW 320i. Cảm giác lái khá mượt, “bốc” là điểm khiến tôi ưng ý nhất, hài lòng với số tiền bỏ ra. Kiểu dáng và động cơ xe đều phù hợp với sở thích cá nhân và nhu cầu sử dụng của tôi.

Tôi đã lái chiếc ôtô này 2 năm, vẫn yêu thích như ngày đầu. Theo tôi, so với các dòng xe cùng phân khúc, xế hộp của thương BMW vẫn dễ dàng ghi điểm.

Bất tiện duy nhất của chiếc xe hơi này là hệ thống làm mát thường xuyên báo lỗi. Sau khi tìm hiểu thông tin trên Internet và những chủ sở hữu khác, tôi biết được rằng đây là lỗi thường xuyên xảy ra đối với ôtô BMW.

Mỗi lần mang xe đi bảo dưỡng, tôi phải rút ví khoảng 10 triệu đồng. Đây là khoản chi phí tương đối lớn so với những mẫu ôtô khác. Song, với tình hình tài chính như hiện tại, tôi vẫn có thể lo liệu khoản này.

Nếu có ý định đổi xe, tôi sẽ nhắm đến Porsche. Đây là dòng xe duy nhất tôi muốn “lên đời” sau khi lái BMW.