Nghịch lý Gen Z chi tiền: có mắc nợ vẫn phải xài hàng hiệu!

Andro

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà có những người không thực sự giàu có nhưng lại tiêu rất nhiều tiền. Một số bạn trẻ mua hàng hiệu rồi chỉ dám mặc ‘check in’ để khoe đang sở hữu món đồ hiệu, rồi cất tủ!

image-3-1668401332.jpg
Các bạn trẻ mạnh dạn chi tiêu vượt mức dù sắp cạn ví. Ảnh: Jing Daily

Theo báo cáo mới nhất từ Klarna, trong 12 tháng vừa qua, nhu cầu mua hàng xa xỉ của Thế hệ Z (60%) và thế hệ Y(63%) đã vượt qua mức chi tiêu của Thế hệ X (46%). Con số này cho thấy, ngày càng nhiều hơn những người thuộc Gen Z sử dụng đồ hiệu.

Trước đó, năm 2021, South China Morning Post đưa ra báo cáo rằng Gen Z đóng góp 15% tổng số hàng hóa xa xỉ bán ở Trung Quốc. Trong một khảo sát khác do OC&C thực hiện, gen Z Trung Quốc chi khoảng 13% tổng thu nhập cho xa xỉ phẩm, cao hơn nhiều so với tỉ lệ chỉ 3% ở Anh và 4% ở Mỹ.

Theo HSBC, tỷ lệ nợ trên thu nhập của người tiêu dùng Trung Quốc từ thế hệ 9X trở đi đã lên đến con số khổng lồ - 1.850%.

Bên cạnh thu nhập, môi trường sống và lối suy nghĩ của thế hệ Z ngày nay có sự khác biệt rất nhiều so với các thế hệ trước, nên việc chi tiêu vào các mặt hàng xa xỉ cũng trở nên quen thuộc hơn. 

Nhưng nhiều bạn sẽ sẵn sàng mua hàng hiệu dù thu nhập chưa tương xứng, dẫn đến hết sạch tiền dù kỳ lương chưa đến. Vậy động lực để các bạn trẻ mạnh dạn chi tiêu vượt mức dù sắp cạn ví là vì đâu?

Mạng xã hội và ảnh hưởng của người nổi tiếng

hang-hieu-3-1668401332.jpg
Trung Quốc được đánh giá là nơi tiêu thụ hàng hiệu lớn nhất thế giới. Ảnh: CNN

Sự ảnh hưởng từ phong cách thời trang của các ngôi sao từ mạng xã hội mang đến cho các khán giả trẻ một hình mẫu về lối sống xa xỉ.

Chẳng hạn, Louis Vuitton đã hợp tác chặt chẽ với ngôi sao YouTube Emma Chamberlain và giới thiệu cô làm gương mặt đại diện cho bộ sưu tập giày Thu Đông 2021 của hãng. Trong khi đó, Prada mời TikToker Charli D'Amelio làm gương mặt đại diện cho chiến dịch mới nhất của hãng.

Bên cạnh những người nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn, cách chúng ta dùng mạng xã hội như một “sân khấu thảm đỏ” để thể hiện và khẳng định bản thân cho bạn bè xung quanh. Ngày nay, nhiều tiện ích mới của các mạng xã hội được thiết kế để người dùng dễ dàng liên tục đăng ảnh “khoe” cuộc sống cá nhân với người khác.  

hang-hieu-1668401467.jpg
Prada mời TikToker Charli D'Amelio làm gương mặt đại diện cho chiến dịch mới nhất của hãng. Ảnh: Tweet

Mạng xã hội ngày càng phổ biến với đông đảo bạn trẻ như Tiktok, Youtube, Facebook, Instagram. Lâu dần, người dùng có xu hướng đăng những thứ họ nghĩ bạn bè thích.

Là một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, bạn sẽ điều chỉnh bản thân theo những gì người xem mong muốn và khát khao, nhiều người dùng đồng ý rằng: “Họ không muốn mặc quần áo đã mặc một lần hoặc đã đăng lên mạng xã hội”.

Thể diện

hang-hieu-2-1668401332.jpg
Giới trẻ sẵn sàng chi tiền cho những thứ xa xỉ nhằm sở hữu những món đồ độc đáo giúp họ trở nên khác biệt và chứng tỏ bản thân. Ảnh: Jing daily

Giới trẻ sẵn sàng chi tiền cho những thứ xa xỉ nhằm sở hữu những món đồ độc đáo giúp họ trở nên khác biệt và chứng tỏ bản thân.

Chúng ta mua hàng xa xỉ vì nhiều lý do, nhưng hầu hết đều liên quan đến cảm xúc. Cho dù đôi khi tình trạng tài chính không cho phép, một người vẫn có thể quyết định mua một mặt hàng bằng mọi cách để đạt được một cảm giác nhất định.

“Một chiếc áo ‘hot’ mà ra đường ai cũng mặc, vậy nên tôi cũng muốn có nó cho giống người ta, kẻo…lỗi thời”. Đó là suy nghĩ của một số bạn trẻ khi nghĩ rằng bản thân lỗi thời, không theo kịp ‘mốt’ cho giống bạn bè.

Các bạn trẻ mua một món đồ hiệu thật đắt tiền, những món đồ độc đáo giúp họ trở nên khác biệt và chứng tỏ bản thân, nhưng tâm lý chung là không nỡ dùng vì sợ hỏng, chỉ dám ‘check in’ rằng bản thân cũng đang sở hữu món đồ hiệu, rồi cất tủ!

Hãy nhìn nhận theo cách này, nếu bạn mua một sản phẩm nhưng bạn không nỡ dùng nó, vậy thì nó không thực sự thuộc về bạn. Mà bạn chỉ sử dụng nó để "mạ vàng" bản thân.

Chúng ta mua sắm vì nhiều lý do, nhưng hầu hết đều liên quan đến cảm xúc và suy nghĩ “tôi muốn có nó/ với tôi, nó rất cần thiết”. Đôi khi tình trạng tài chính không cho phép, một người vẫn có thể quyết định mua một mặt hàng bằng mọi cách để đạt được một cảm giác cá nhân nhất định.

Phương thức thanh toán tiện lợi 

hang-hieu-1669007555.jpg
Có những bạn trẻ sẵn sàng quẹt thẻ tín dụng cho những món hàng hiệu, tiêu dùng xa xỉ. Ảnh: quora

Khi nhắc về thẻ tín dụng (credit card) nhiều bạn trẻ vẫn có sự e dè. Họ cho rằng hình thức chi tiêu này sẽ dẫn đến việc dùng tiền phung phí, và rất dễ “nợ ngập đầu”. Nhưng vẫn có những bạn trẻ sẵn sàng quẹt thẻ tín dụng cho những món hàng hiệu, tiêu dùng xa xỉ.

Họ điên cuồng chạy theo những xu hướng thời trang mới, đồ công nghệ mới, hay một món phụ kiện mới của các thương hiệu vừa được ra mắt, hoặc đơn giản là những ngày giảm giá sập sàn từ các thương hiệu, các bạn trẻ sẽ mạnh tay chi cho các món đồ mình muốn và cho là cần thiết, bất kể mình có bao nhiêu tiền trong ví.

Việc sử dụng thẻ tín dụng để mua sắm như ngày nay trở nên dễ dàng hơn. Công nghệ kỹ thuật hiện đại đã giúp người trẻ dễ dàng tiếp cận hơn với những khoản cho vay tín dụng, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng nhanh gọn.

Bên cạnh thẻ tín dụng, một hình thức thanh toán khác cũng được nhiều bạn trẻ áp dụng là mua trả góp - mua một lần và việc thanh toán sẽ chia nhỏ nhiều lần trả.

Còn một phương thức khác cũng khá tiện lợi là: Thay vì đến cửa hàng, thì bạn chỉ việc ngồi ở nhà, tìm kiếm món đồ mình thích trên sàn thương mại điện tử, bấm nút thanh toán trên điện thoại là đã có ngay món đồ mình muốn. Thật dễ dàng và nhanh chóng!

Tỷ phú Warren Buffett - Chủ tịch Berkshire Hathaway từng nói: “Nếu bạn chi tiền cho những thứ bạn không cần, bạn sẽ sớm gặp rủi ro khi bán những thứ bạn cần”. Vậy nên, trước khi chi tiêu bạn cần phải có sự cân nhắc. Hãy luôn nhớ rằng, mọi giấc mơ lớn đều được xây nên từ những điều nhỏ nhặt, và tiền là “đôi cánh" vững chắc giúp bạn làm được điều đó.