Đầu tư đồng hồ Rolex, Patek Philippe cũ lãi hơn nhiều chỉ số S&P 500

Thuận Hiếu

Kể từ giữa năm 2018, giá đồng hồ Rolex, Patek Philippe và Audemar Piguet đã qua sử dụng tăng trung bình 20% mỗi năm, tức hiệu suất vượt xa chỉ số S&P 500.

Theo Bloomberg, trong giai đoạn tháng 8/2018-1/2023, chỉ số chứng khoán S&P 500 tăng trung bình 8% mỗi năm. Trong khi đó, giá trị các mẫu đồng hồ cũ từ những thương hiệu hàng đầu Thụy Sĩ tăng trưởng với hiệu suất cao gấp đôi, khoảng 20%. Chưa kể, giá một số mẫu cao cấp như Rolex Daytonas, Patek Nautilus hay AP Royal Oaks hiện đã giảm 1/3 kể từ khi thị trường đạt đỉnh vào quý I/2022.

Trong giai đoạn cùng kỳ, giá một số thương hiệu khác như FP Jourme, H.Monse & Cie và De Bethune cũng tăng khoảng 15%. Báo cáo của Boston Consulting Group (BCG) và công ty theo dõi thị trường thứ cấp WatchBox thậm chí cho rằng đồng hồ xa xỉ có thể là tài sản đầu tư thay thế cổ phiếu, trái phiếu, tác phẩm nghệ thuật và rượu vang.

Tuy nhiên, nếu xét trong khoảng thời gian dài hơn, cổ phiếu vẫn là khoản đầu tư sinh lời hơn so với đồng hồ xa xỉ. Trong giai đoạn 2012-2022, chỉ số S&P 500 có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 12% trong khi các mẫu đồng hồ chỉ đạt trung bình 7%.

Giá đồng hồ trên thị trường thứ cấp từng tăng đột biến trong thời kỳ đại dịch. Đây là thời điểm nhóm người dùng thuộc thế hệ Y và Z vốn rủng rỉnh về tiền bạc và mắc kẹt trong nhà phát hiện ra sở thích đắt tiền mới là sưu tập đồng hồ Thụy Sĩ.

Sự tăng giảm của thị trường tiền mã hóa cũng tương quan với giá trị đồng hồ đã qua sử dụng. “Giá trị và tính minh bạch là động lực phát triển thị trường thứ cấp và thúc đẩy thanh khoản”, Sarah Willerdorf, Giám đốc kiêm đối tác của BCG, cho biết.

Hơn 60% giao dịch đồng hồ cũ được thực hiện trực tuyến, trong khi tỷ lệ này với các giao dịch mua đồng hồ mới chỉ đạt 15%. Đa số khách hàng là nam giới. Tuy nhiên, số khách hàng nữ trẻ tuổi cũng tăng lên nhanh chóng.

Thị trường đồng hồ xa xỉ thứ cấp đã tăng lên 24 tỷ USD vào năm 2022. Trong khi đó thị trường bán lẻ sơ cấp có giá trị khoảng 55 tỷ USD.

Theo dự báo của BCG, thị trường đồng hồ cũ sẽ tăng trưởng 9% mỗi năm, đạt mức 35 tỷ USD vào năm 2026, trong bối cảnh giá đồng hồ đã qua sử dụng tăng cao và ngày càng nhiều người bắt đầu thú vui sưu tập đồng hồ xa xỉ.

Còn công ty tư vấn và phân tích độc lập LuxeConsult dự báo doanh số bán đồng hồ hiệu đã qua sử dụng sẽ vượt thị trường bán lẻ sơ cấp vào năm 2033 với doanh thu tăng lên 85 tỷ USD.

Thị trường mua bán đồng hồ cũ thậm chí trở nên nhộn nhịp hơn vào tháng 12/2022 khi Rolex tuyên bố triển khai dịch vụ xác thực đồng hồ đã qua sử dụng để giao dịch thông qua mạng lưới đại lý ủy quyền.

Nguồn: Quế Chi/ZING