Hermès: Sáu thế hệ xây dựng đế chế thời trang xa xỉ
Trong thế giới lộng lẫy của thời trang cao cấp, Hermès tỏa sáng như biểu tượng của sự tinh tế, được hun đúc từ tài năng và tầm nhìn của một gia tộc qua nhiều thế hệ.
Khởi đầu từ một tiệm nhỏ chuyên làm yên cương cho ngựa, được Thierry Hermès thành lập năm 1837, Hermès đã vươn mình trở thành một trong những thương hiệu thời trang xa xỉ lâu đời nhất thế giới sau gần hai thế kỷ.

Đến nay, gia tộc Hermès đã trải qua sáu thế hệ, giữ vững triết lý kinh doanh dựa trên giá trị truyền thống và sự kế thừa bền vững. Ít ai biết rằng, đằng sau ánh hào quang của đế chế thời trang danh giá này là dấu ấn quan trọng của hai người con rể: Robert Dumas và Jean-René Guerrand, thuộc thế hệ thứ tư của gia tộc.
Người con rể dẫn dắt Hermès
Năm 1951, Robert Dumas trở thành Giám đốc điều hành kiêm giám đốc nghệ thuật của Hermès, đánh dấu lần đầu tiên một người không phải hậu duệ trực tiếp của gia tộc đảm nhận vị trí lãnh đạo. Là cháu rể đời thứ tư của nhà sáng lập Thierry Hermès, Robert Dumas mang họ Hermès nhờ cuộc hôn nhân với bà Jacqueline Hermès, góp phần viết nên trang sử mới cho thương hiệu lừng danh.

Thế hệ thứ 4 của gia tộc Hermès: ông Robert Dumas.
Trước khi Robert Dumas nắm vai trò quan trọng, gia tộc Hermès đã trải qua ba thế hệ lãnh đạo. Người sáng lập Thierry Hermès đặt nền móng, tiếp nối là con trai Charles-Émile Hermès ở thế hệ thứ hai. Đến thế hệ thứ ba, hai người con của Charles-Émile là Adolphe và Émile-Maurice Hermès tiếp quản. Sang thế hệ thứ tư, Robert Dumas cùng Jean-René Guerrand, con rể của Émile-Maurice, dẫn dắt thương hiệu.
Dưới thời Robert Dumas, Hermès ghi dấu ấn với những bước tiến quan trọng. Ông tập trung phát triển các thiết kế mới, nổi bật là dòng sản phẩm thắt lưng và túi xách. Đặc biệt, Robert Dumas nâng tầm chiếc cà vạt Hermès với phong cách độc đáo và thúc đẩy ra mắt dòng khăn lụa Hermès, tạo nên dấu ấn riêng cho thương hiệu.


Jeu des Omnibus et Dames Blanches - chiếc khăn Hermès đầu tiên.
Chiếc khăn lụa đầu tiên do Robert Dumas thiết kế ra mắt năm 1937 đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới quý tộc và các ngôi sao nổi tiếng như Audrey Hepburn, Sophia Loren, Catherine Deneuve... Công nương Grace Kelly từng xuất hiện trên trang bìa tạp chí Life năm 1956, sử dụng khăn Hermès làm đai đeo để cố định cánh tay bị thương.

Mỗi chiếc khăn lụa Hermès cần hơn 750 giờ để hoàn thiện, dệt từ 450km sợi tơ, mang lại độ mềm mại hiếm có chất liệu nào bì kịp. Là biểu tượng của văn hóa Pháp, khăn lụa Hermès như một món gia truyền, tôn vinh vẻ thanh lịch và sang trọng của phụ nữ Pháp.


Chiếc túi Hermès nâng tầm danh tiếng gia tộc
Năm 1956, chỉ 5 năm sau khi người con rể nhà Hermès nắm quyền điều hành, gia tộc này vươn tới đỉnh cao danh vọng nhờ một khoảnh khắc lịch sử. Để che giấu bụng bầu trước ống kính truyền thông, Công nương Grace Kelly của Monaco đã khéo léo dùng chiếc túi Hermès Sac-a-Depeches làm lá chắn. Bức ảnh này nhanh chóng xuất hiện trên tạp chí Life, gây sốt toàn cầu. Từ đó, Hermès quyết định đặt tên "Kelly" cho chiếc túi, biến nó thành biểu tượng thời trang bất hủ.

Chiếc túi Hermès Sac-a-Depeches ra mắt năm 1935, dưới thời Charles-Émile Hermès, thuộc thế hệ thứ hai của thương hiệu. Ban đầu, thiết kế này đã được phụ nữ toàn cầu yêu thích, nhưng phải đến khi Công nương Grace Kelly sử dụng, nó mới thực sự tạo nên cơn sốt và trở thành biểu tượng vượt thời gian. Hiện nay, Hermès Kelly là mẫu túi bán chạy nhất của hãng và luôn nằm trong danh sách những chiếc túi xách đáng đầu tư nhất mọi thời đại.

Vào năm 1959, Hermès giới thiệu chiếc túi Constance do nhà thiết kế Catherine Chaillet sáng tạo. Tương tự mẫu túi Kelly, Constance nhanh chóng nổi danh nhờ sự yêu thích của những nhân vật đình đám, trong đó có Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy, người thường xuyên sử dụng mẫu túi này. Với thiết kế tinh tế và kích thước nhỏ gọn, Constance đã trở thành biểu tượng của phong cách cổ điển, luôn giữ được sức hút vượt thời gian.

Hermès dưới thời Robert Dumas: Mở rộng và định hình phong cách
Trong giai đoạn Robert Dumas lãnh đạo, Hermès chú trọng phát triển các dòng phụ kiện và trang sức độc đáo, tiêu biểu như thắt lưng với logo chữ H đặc trưng và đồng hồ Hermès. Đáng chú ý, từ một thương hiệu vốn gắn bó với thời trang nữ, Hermès bắt đầu lấn sân sang các sản phẩm dành cho nam giới, trong đó cà vạt lụa trở thành điểm nhấn nổi bật.
"Thế hệ Dumas" và hành trình chuyển mình
Từ năm 1951 đến 1978, dưới sự điều hành của Robert Dumas, dòng họ Dumas chính thức tiếp quản Hermès, được gọi là "thế hệ Dumas" hay "nhà Dumas". Những người kế nhiệm gồm:
- Jean-Louis Dumas, con trai Robert Dumas, đảm nhiệm từ năm 1978 đến 2006.
- Axel Dumas, cháu nội Robert Dumas, lãnh đạo từ năm 2013 đến nay.
Trong đó, thời kỳ Jean-Louis Dumas (1978-2006) được xem là giai đoạn vàng son của Hermès. Ông không chỉ là một CEO xuất sắc mà còn đưa thương hiệu từ một nhà mốt gia đình Pháp vươn lên thành biểu tượng xa xỉ toàn cầu.

Ông Jean-Louis Dumas.
Jean-Louis Dumas đưa Hermès vươn xa mọi giới hạn. Từ năm 1982 đến 1989, doanh thu của hãng tăng mạnh từ 82 triệu USD lên 446 triệu USD. Đến năm 2006, con số này đạt 1,9 tỷ USD. Cùng nữ diễn viên Jane Birkin, ông tạo ra dòng túi mang tên bà, biến Hermès Birkin thành biểu tượng thời trang toàn cầu.

Vào năm 2006, sau khi Jean-Louis Dumas tuyên bố nghỉ hưu, Hermès đã bổ nhiệm thế hệ thứ sáu lãnh đạo thương hiệu, với Axel Dumas đảm nhận vai trò CEO. Cùng lúc, Pierre-Alexis Dumas và Pascale Mussard, con trai và cháu gái của Jean-Louis, được chọn làm đồng giám đốc nghệ thuật.
Pierre-Alexis chịu trách nhiệm mảng lụa, vải và quần áo may sẵn, trong khi Pascale Mussard phụ trách các sản phẩm da, trang sức và phụ kiện không làm từ vải.
Theo The Economist, từ năm 2010 đến 2019, Hermès đạt mức tăng trưởng ấn tượng, với doanh thu tăng gấp ba, đạt 7,7 tỷ USD, cùng tỷ suất lợi nhuận hoạt động 34%, cao nhất trong ngành thời trang xa xỉ.
Forbes từng công bố ít nhất năm thành viên gia tộc Dumas nằm trong danh sách tỷ phú toàn cầu. Với thương hiệu thời trang cao cấp, gia tộc Dumas sở hữu tổng tài sản ước tính 49,2 tỷ USD, đứng thứ năm trong số những gia tộc quyền lực nhất thế giới.