Trong giới kinh doanh Trung Quốc, Liu Chang được biết đến không chỉ với vai trò là người kế nhiệm Tập đoàn New Hope, một trong những doanh nghiệp chăn nuôi hàng đầu cả nước, mà còn là hình ảnh tiêu biểu cho sự tài giỏi và đổi mới của phụ nữ hiện đại. Bắt đầu từ một cô tiểu thư say mê thời trang, cô đã vươn lên trở thành một nữ giám đốc điều hành sắc sảo. Hành trình của Liu Chang không đơn thuần là quá trình tiếp nối sự nghiệp gia đình mà còn phản ánh tầm nhìn chiến lược, năng lực lãnh đạo nổi bật và tinh thần tiên phong của một người phụ nữ trẻ trong lĩnh vực kinh doanh vốn khô khan và đầy thách thức.
Liu Chang và Liu Yonghao.
Cô tiểu thư từng nghĩ sẽ không bao giờ gắn mình với chuồng trại, lợn gà
Liu Chang sinh năm 1980 tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, trong một gia đình giàu truyền thống kinh doanh. Cha của cô, ông Liu Yonghao, là người sáng lập Tập đoàn New Hope. Cùng với ba người anh em, ông đã gây dựng nên một đế chế nông nghiệp bắt đầu chỉ với 500 đô la Mỹ vào năm 1982.
Dù là con gái duy nhất trong gia đình có truyền thống kinh doanh, Liu Chang lại không được cha mẹ ép buộc phải theo đuổi con đường thương trường ngay từ nhỏ. Trái lại, họ tạo điều kiện để cô được tự do khám phá bản thân. Đặc biệt, ông Liu Yonghao, dù bận rộn với việc phát triển công ty, vẫn luôn dành thời gian quan tâm đến việc nuôi dưỡng khả năng và sở thích của con gái.
Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã tạo điều kiện để Liu Chang tiếp xúc với môi trường làm việc tại New Hope, dần dần khơi gợi niềm quan tâm của cô đến lĩnh vực nông nghiệp. Khi Liu Chang lên 16 tuổi, ông đã bắt đầu hoạch định việc chuyển giao sự nghiệp cho con gái. Đến năm 1996, ông đưa cô sang Mỹ du học để mở rộng tầm nhìn và tiếp thu những tinh hoa từ nền giáo dục quốc tế.
Năm 2002, khi mới 22 tuổi, Liu Chang đã hoàn tất chương trình MBA và trở về Trung Quốc. Cô âm thầm gia nhập New Hope dưới cái tên "Li Tianmei", bắt đầu từ vị trí chánh văn phòng. Suốt một thời gian dài, ngay cả tổng giám đốc lúc bấy giờ cũng không hề hay biết về danh tính thật sự của cô gái trẻ vừa mới bước chân vào công ty.

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Liu Chang chia sẻ rằng thời gian ở Mỹ là giai đoạn cô “lắng nghe tiếng nói nội tâm” và “khám phá bản thân”.
Dù vậy, vào thời điểm đó, Liu Chang chưa từng nghĩ đến chuyện sẽ thay cha tiếp quản công việc. Chỉ cần tưởng tượng đến việc phải chăm sóc đàn lợn đã khiến cô cảm thấy công việc ấy không dành cho mình. Khi ấy, cô là người yêu cái đẹp và chưa bao giờ hình dung bản thân sẽ gắn bó với nghề chăn nuôi. Ước mơ thuở ban đầu của cô là làm việc trong ngành thời trang. Trong khoảng thời gian đó, cô không ngừng thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau với mong muốn khẳng định bản thân.
Cô đã vay cha số tiền 100.000 nhân dân tệ, tương đương khoảng 350 triệu đồng, rồi cùng một nhóm bạn bè mở gian hàng bán trang sức. Gặp dịp thuận lợi, họ cũng kiếm được khoản lời kha khá. Tuy vậy, những hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ ấy không thể nào sánh được với các thương vụ trị giá hàng tỷ mà cha cô từng thực hiện.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Liu Chang chia sẻ rằng thời gian sống tại Mỹ là giai đoạn cô lắng nghe chính mình và dần hiểu rõ bản thân hơn. Mặc dù từng mơ ước theo đuổi thời trang, cô đã quyết định quay trở về Bắc Kinh, theo học tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc và sau đó lấy bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Bắc Kinh. Những năm tháng học tập ấy không chỉ giúp cô tích lũy kiến thức chuyên môn mà còn hình thành tư duy toàn cầu, một yếu tố then chốt cho hành trình sự nghiệp phía trước.

Liu Chang không chọn theo đuổi lĩnh vực thời trang mà quyết định trở về Bắc Kinh
"Nữ hoàng chăn nuôi"
Sau khi trở về nước, mỗi lần chứng kiến bạn bè của cha đến nhà trò chuyện về xu hướng ngành và định hướng phát triển doanh nghiệp, Liu Chang dần nhận ra rằng dù bản thân có nỗ lực đến đâu, cô cũng khó có thể đạt được tầm vóc mà cha mình đã gây dựng. Từ nhận thức đó, cô bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ về việc tiếp nối sự nghiệp gia đình, dưới cái tên Li Tianmei. Hành trình trở thành người kế nhiệm của Liu Chang cũng bắt đầu từ đây.
Vào năm 2011, cha cô giới thiệu Liu Chang trước truyền thông. Có một số tờ báo gọi giai đoạn trước đó trong cuộc đời cô là mười năm bị che giấu. Đáp lại, Liu Chang chia sẻ rằng cha mẹ không muốn những suy nghĩ còn non nớt và những thiếu sót của cô bị đưa ra ánh sáng quá sớm. Theo cô, đó là một quyết định sáng suốt, xuất phát từ mong muốn bảo vệ con cái.
Đến tháng năm năm 2013, Liu Chang chính thức đảm nhận vị trí quản lý tại Tập đoàn New Hope.
Tuy nhiên, việc tiếp quản không hề dễ dàng. Ban đầu, cô đối mặt với nhiều hoài nghi. Để giúp con gái có thể tự đứng vững, Liu Yonghao đã quyết định hỗ trợ bằng cách mời Chen Chunhua làm giám đốc điều hành cùng phối hợp. Mô hình chuyển giao này cho phép Liu Chang vừa có không gian phát triển, vừa có người đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình bàn giao quyền lực trong tập đoàn được diễn ra suôn sẻ và ổn định.
Trên mỗi bước đi của Liu Chang luôn có người cha bên cạnh.
Dưới sự chỉ dẫn của Chen Chunhua, Liu Chang đã bắt tay vào thực hiện hàng loạt cải cách quyết liệt, từ việc tổ chức lại bộ máy bên trong cho đến mở rộng thị trường kinh doanh.
Thời điểm vừa tiếp nhận vị trí lãnh đạo, Liu Chang phải đối diện với rất nhiều áp lực. Tóc cô bạc đi rõ rệt, nhiều đêm trằn trọc không ngủ đến tận sáng, thậm chí có những lúc cảm thấy bản thân cần đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý.
"Mỗi khi ngồi vào bàn làm việc, trước mặt tôi là hàng trăm, thậm chí hàng ngàn văn bản cần ký. Có những hợp đồng giá trị lên đến hàng chục triệu, thậm chí hàng tỷ. Tôi luôn băn khoăn không biết có nên ký hay không, cảm giác vô cùng căng thẳng".
Cô thường day dứt về những điều mình chưa xử lý tốt trong ngày hôm trước, hay những lời nói chưa thực sự phù hợp. Mặc dù vậy, nhờ sự hỗ trợ từ Chen Chunhua cùng khả năng lãnh đạo của Liu Chang, New Hope dần dần ổn định và phát triển đúng hướng.
Liu Chang hiện tại đã không còn bị gắn mác "nữ chủ tịch xinh đẹp" hay "con gái của vua thức ăn gia súc Liu Yonghao", mà đã trở thành người lãnh đạo thực sự của công ty nông nghiệp niêm yết lớn nhất trong nước.
Theo báo cáo tài chính của New Hope, trong giai đoạn ba năm từ năm 2012 đến năm 2015, doanh thu từ mảng thức ăn gia súc của công ty tuy không có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhưng lợi nhuận ròng cùng với hiệu quả sản xuất đã được cải thiện rõ rệt.
Hơn thế nữa, nhờ những nỗ lực đổi mới của Liu Chang, New Hope đã từng bước chuyển mình từ một tập đoàn chuyên về thức ăn gia súc sang trở thành một tập đoàn công nghiệp đa ngành, với chuỗi sản xuất hoàn chỉnh bao gồm chăn nuôi, chế biến thịt và bán lẻ sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, việc mở rộng thị trường quốc tế cũng là mục tiêu mà Liu Chang luôn kiên trì theo đuổi. Vào năm 2019, New Hope bắt đầu tiến vào thị trường nước ngoài và đến năm 2023, doanh thu tại các thị trường này đã đạt mức 20,079 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 72 nghìn tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm năm trước đó.
Cùng năm đó, Tập đoàn New Hope đã chính thức gia nhập danh sách Fortune 500. Mục tiêu doanh thu hàng nghìn tỷ mà Liu Yonghao chưa thể hoàn thành trong thời gian làm chủ tịch đã được con gái ông thực hiện thành công khi cô đảm nhận vai trò lãnh đạo công ty.
Từ một cô gái với mơ ước làm trong ngành thời trang giờ đây Loi Chang lại muốn mọi người gọi mình là "người nuôi lợn".
Hiện nay, khi nhiều người thắc mắc vì sao một người yêu cái đẹp như cô lại chọn công việc nuôi lợn, Liu Chang trả lời rằng việc biến những điều tưởng chừng không đẹp thành có ý nghĩa và tạo ra vẻ đẹp chính là giá trị thực sự.
Liu Chang chia sẻ về ước vọng của mình đối với ngành nông nghiệp New Hope rằng cô muốn khám phá vẻ đẹp ẩn chứa trong những công việc thường bị coi là nhàm chán như chăn nuôi, sản xuất thức ăn gia súc hay các hoạt động nông nghiệp.
Gia đình kinh doanh nổi tiếng
Ít ai biết rằng trước khi trở thành tỷ phú, ông Liu Yonghao từng là một giáo viên với thu nhập khá thấp. Cuộc cải cách kinh tế tại Trung Quốc đã mở ra nhiều cơ hội cho ông cùng ba người anh em.
Với số vốn ban đầu rất hạn chế, họ đã sáng lập Tập đoàn Hope vào năm 1982. Tập đoàn này nhanh chóng phát triển trở thành công ty thức ăn chăn nuôi lớn nhất Trung Quốc và là biểu tượng của tinh thần khởi nghiệp trong giai đoạn cải cách kinh tế.
Đến năm 1995, sau một cuộc thảo luận, bốn anh em quyết định chia Tập đoàn New Hope thành bốn phần khác nhau. Mỗi người đảm nhận lĩnh vực kinh doanh phù hợp với thế mạnh của mình, bao gồm công nghiệp điện tử, bất động sản và ngành sản xuất thức ăn gia súc.
Người anh cả Liu Yongyan chuyên sâu về công nghệ và đã biến Tập đoàn Hope của Trung Quốc đại lục trở thành đơn vị tiên phong trong ngành công nghiệp biến tần. Người anh thứ ba là Liu Yongmei tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Hai người anh còn lại là Liu Yongxing và Liu Yonghao, đứng thứ hai và thứ tư trong gia đình, dành phần lớn tâm huyết phát triển các ngành công nghiệp nông nghiệp như thức ăn gia súc. Liu Yongxing đã dẫn dắt Tập đoàn Đông Phương New Hope trở thành một tập đoàn khổng lồ trong ngành, còn Liu Yonghao vẫn kiên trì đưa New Hope vươn tới vị trí hàng đầu trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi.
Vào năm 2001, với tài sản lên đến 83 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 150 nghìn tỷ đồng theo tỷ giá lúc đó, hai anh em Liu Yongxing và Liu Yonghao trở thành những người giàu nhất Trung Quốc.