Vì sao Idol K-pop được chọn là "gương mặt vàng” cho các nhãn hàng cao cấp toàn cầu?

Theo SCMP | Dịch: Hằng Nga

Từ lâu, cô nàng Lisa của Blackpink đã được mệnh danh là con cưng của Celine. Gần đây. anh chàng Kai của EXO cũng trở thành người mẫu cho Gucci. Có thể nói, những người nổi tiếng Hàn Quốc đang thu hút một lượng đáng kể khách hàng “chịu chi” từ Trung Quốc, Mỹ và hơn thế nữa.

Thành công toàn cầu của nền âm nhạc K-pop và K-drama đã tạo ra sự chuyển mình đa dạng cho nền kinh tế Hàn Quốc. Nhờ đó, những gương mặt Hàn Quốc ngày càng được nhiều thương hiệu xa xỉ ưu ái chọn làm đại sứ toàn cầu.

 

Lisa của Blackpink và các thành viên khác trong nhóm đã trở thành gương mặt nổi bật của các thương hiệu xa xỉ, và điều này hoàn toàn không khó hiểu. Ảnh: Celine

Tuần trước, tôi đã trò chuyện với Giám đốc điều hành của một thương hiệu chăm sóc da cao cấp của Hàn Quốc sống ở Hoa Kỳ và đến từ Seoul. Hỏi về sự khác biệt trong văn hóa giữa người tiêu dùng Hàn Quốc và Mỹ, gương mặt cô ấy ngay lập tức bừng sáng, cô mỉm cười và trả lời: “Đối với người Hàn Quốc, tất cả là mọi thứ đều xoay quanh vẻ bề ngoài. Đó là một khoản đầu tư vào tương lai, vào cuộc sống, vào sự thành công của chúng ta”. Lời khẳng định chắc nịch này có thể không đúng với tất cả mọi người, nhưng đã phần nào lý giải tại sao Hàn Quốc lại gắn liền với vẻ đẹp.

Hàn Quốc được biết đến với nỗi ám ảnh về sắc đẹp. Đây là trung tâm hẫu thuật thẩm mỹ cho phụ nữ và nam giới toàn cầu. Người tiêu dùng thử nghiệm và họ không chấp nhận bất kì sản phẩm nào không tạo ra hiệu quả. Có quá nhiều điều phụ thuộc vào nhan sắc trong một xã hội đánh đồng vẻ ngoài với tài năng. “Cơ thể của tôi là thành công của tôi,” là câu nói vô cùng phổ biến nếu bạn dạo quanh ở Seoul.

Đưa điều này vào tình yêu văn hoá giải trí của đất nước và sức hấp dẫn rộng rãi của văn hóa giới trẻ Hàn Quốc, không khó hiểu khi các ngôi sao K-pop như BTS trở thành siêu sao toàn cầu và những ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc như Song Hye-kyo lại trở nên nổi tiếng vượt xa biên giới của đất nước.

Là thánh địa mua sắm, Hàn Quốc được xem là một trong những thị trường quan trọng nhất đối với các thương hiệu xa xỉ, đặc biệt là vì nó dễ dàng tiếp cận lượng khách đến từ Thượng Hải hoặc Bắc Kinh, một trong những nhóm người tiêu dùng xa xỉ quan trọng nhất trên thế giới. Dành một ngày cuối tuần ở Seoul, tiệc tùng (ít nhất là trước đại dịch) và mua sắm miễn thuế là một trải nghiệm không giới giàu có nào muốn bỏ qua. Điều này khiến Hàn Quốc trở thành điểm mua sắm miễn thuế quan trọng nhất trên toàn thế giới.

 

Các hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch đã ảnh hưởng lớn đến thị trường hàng xa xỉ của Hàn Quốc. Do đó, các thương hiệu Hàn Quốc đang cố gắng tiếp cận nhiều khán giả toàn cầu hơn thông qua hình thức trực tuyến, điều này cũng gặp nhiều thách thức hơn. Tại Tuần lễ thời trang New York năm nay vào giữa tháng 2, chính phủ Hàn Quốc đã tài trợ cho chương trình “Concept Korea” để quảng bá cho các nhà thiết kế địa phương.

Là một phần của chương trình, các thương hiệu như Ul: Kin, Jarret và Wnderkammer đều tham gia, giới thiệu sự kết hợp truyền thống và năng lượng bùng nổ của thời trang Hàn Quốc, nghệ thuật số và âm nhạc K-pop. Jarret quảng bá bộ sưu tập của mình với WayV’s YangYang; TXT’s Yeonjun và nhạc sĩ Bibi tham gia với tư cách là người mẫu cho show Ul: Kin, với Bibi thậm chí còn sáng tác một ca khúc dành riêng cho sự kiện.

Tương tự như Tuần lễ thời trang Thượng Hải năm ngoái, nơi khởi nguồn cho xu hướng phát trực tiếp và tạo nội dung kỹ thuật số, các tính năng của Tuần lễ thời trang New York của Hàn Quốc lần này thậm chí còn sáng tạo hơn với việc tích hợp các buổi biểu diễn nghệ thuật và âm nhạc vào chương trình kỹ thuật số, tận dụng sức hấp dẫn của các siêu sao Hàn Quốc trên toàn thế giới.

Ngoài ra, các thương hiệu cao cấp toàn cầu ngày càng khai thác các ngôi sao Hàn Quốc để củng cố hình ảnh thương hiệu. Thương hiệu đồng hồ và trang sức của Pháp Chaumet đang hợp tác với Song Hye-kyo - nữ diễn viên siêu sao với các vai diễn trong phim truyền hình Hàn Quốc Hậu duệ mặt trời và Trái tim mùa thu - làm đại sứ thương hiệu cho toàn bộ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Cô cũng là đại sứ cho Fendi kể từ tháng 2 năm 2021, tiếp tục cho thấy sức hấp dẫn đối với nhiều khán giả quốc tế.

Lisa từ Blackpink là đại sứ cho Celine và Bulgari. Irene của Red Velvet là đại sứ cho Prada, trong khi Gucci lựa chọn Kai của EXO. Nam diễn viên Hàn Quốc Ji Chang-wook gần đây đã trở thành đại sứ thương hiệu toàn cầu đầu tiên của Calvin Klein và Longines đã chọn nam diễn viên Jung Woo-sung làm “đại sứ của sự thanh lịch” toàn cầu, hoàn toàn phù hợp với hình tượng của nam diễn viên điển trai được nhiều người yêu mến.

 

Với nỗi ám ảnh về sắc đẹp, âm nhạc và thời trang của Hàn Quốc, không có gì ngạc nhiên khi các sao hạng A nơi đây đang ngày càng trở thành những gương mặt đại diện cho sự xa xỉ, bắt đầu từ các thương hiệu Hàn Quốc cho đến các cường quốc toàn cầu. Vào thời điểm mà các thương hiệu cuối cùng cũng nắm bắt được sự đa dạng và cách tiếp cận đa văn hóa, các ngôi sao Hàn Quốc dường như là lựa chọn lý tưởng. Họ không chỉ hấp dẫn người tiêu dùng tại thị trường quê nhà mà còn đối với khách hàng thị trường Trung Quốc hay cũng cực kỳ phổ biến ở châu Âu và Hoa Kỳ thông qua ảnh hưởng ngày càng gia tăng của K-pop.

Có một điều mà các thương hiệu cần chú ý là đừng quá sa đà vào một khuôn mặt xinh đẹp mà quên đi cách kể chuyện. Các thương hiệu thường quảng bá ngôi sao nhiều hơn ngôi sao quảng bá thương hiệu. Trong tương lai, các khoản đầu tư vào gương mặt thương hiệu sẽ phân tích trực tuyến cẩn thận để đo lường lợi tức. Bởi vì suy cho cùng, chỉ khi đại sứ đại diện và kể câu chuyện thì tài sản thương hiệu mới được tạo ra. Nếu không có sự phù hợp logic và không có cách kể chuyện đúng đắn, một người đại diện dù có là ngôi sao Hàn Quốc hay không cũng sẽ là “con dao 2 lưỡi” khiến vị trí của các thương hiệu suy yếu. Cơ hội và rủi ro luôn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Theo SCMP | Dịch: Hằng Nga