Ngày trước, Greg Hart chỉ là nhân viên gấp áo quần tại cửa hàng Nordstrom. Ít ai ngờ rằng sau này ông lại trở thành trợ thủ đắc lực của tỷ phú Jeff Bezos, người sáng lập Amazon, rồi tiếp tục giữ chức CEO của Coursera, nền tảng giáo dục trực tuyến hàng đầu thế giới.
Câu chuyện của Greg Hart không chỉ nói về sự thành công trong ngành công nghệ mà còn thể hiện rõ quan điểm tập trung học hỏi, trau dồi kinh nghiệm thay vì chỉ nghĩ đến mức lương.
Từ nhân viên bán sách đến cố vấn của tỷ phú
Năm 1997, khi Amazon mới chỉ là một cửa hàng bán sách trên mạng, Greg Hart gia nhập công ty với vị trí nhân viên cấp thấp. Trước đó, thời sinh viên ông từng làm công việc khá đơn điệu là xếp áo quần tại Nordstrom.
Nhờ sự chăm chỉ và tinh thần cầu tiến, Hart dần khẳng định năng lực của mình. Đến năm 2009, ông được bổ nhiệm làm cố vấn kỹ thuật cho Jeff Bezos, vị trí tương đương chánh văn phòng CEO và thường được gọi là cái bóng của người đứng đầu.

Trong quá trình làm việc cùng tỷ phú Jeff Bezos, Greg Hart không chỉ tiếp thu triết lý quản trị mà còn học được cách nhìn xa trông rộng, sự nhạy bén với nhu cầu khách hàng và khả năng ra quyết định nhanh. Một trong những bài học mà Hart nhớ nhất là tổ chức sẽ vận hành nhanh hơn nếu hạn chế phải đưa quyết định lên CEO.
Bước ngoặt lớn nhất của Hart tại Amazon là khi ông được giao phát triển ý tưởng trợ lý ảo điều khiển bằng giọng nói mà Bezos đưa ra. Dù không có nền tảng kỹ thuật chuyên sâu, ban đầu Hart vẫn nhận nhiệm vụ này với tâm thế hoài nghi. Tuy nhiên, Bezos chỉ nói ngắn gọn rằng cậu sẽ làm được và rồi Hart đã biến ý tưởng đó thành Alexa, sản phẩm hiện diện trong hàng trăm triệu ngôi nhà trên khắp thế giới.
Niềm tin của Bezos và nỗ lực của Hart đã đưa Alexa trở thành một thành công lớn với hơn 600 triệu thiết bị được bán ra. Hart cũng rút ra thêm một bài học quan trọng từ sếp cũ: khi dữ liệu và câu chuyện thực tế không trùng khớp, hãy tin vào câu chuyện. Bởi điều đó có thể cho thấy bạn đang đo lường sai hoặc dữ liệu đang hé lộ điều gì đó chưa lộ diện.
Năm 2024, Hart chính thức trở thành CEO của Coursera, nền tảng giáo dục trực tuyến có hàng triệu người dùng toàn cầu. Ông đảm nhận vai trò này trong thời điểm Coursera tìm cách tăng trưởng trở lại sau khi cổ phiếu lao dốc kể từ khi niêm yết năm 2022.
Ở cương vị mới, Hart mang theo những kinh nghiệm quý giá từ Amazon để làm mới lĩnh vực công nghệ giáo dục. Mặc dù Coursera đã là cái tên lớn trong ngành, ông vẫn tin rằng còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Ông chia sẻ Coursera chưa thực sự đạt đến mức đột phá như những gì ông từng thấy ở Amazon.
Triết lý của Hart là trao quyền ra quyết định xuống gần người học – những khách hàng cuối cùng. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe câu chuyện thực tế bên cạnh số liệu.
Trong bối cảnh giáo dục thay đổi nhanh với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và nhu cầu học kỹ năng mới, Hart nhìn thấy cơ hội lớn cho Coursera. Ông dự đoán trong 5 năm tới sẽ có thêm một tỷ người kết nối internet, mở ra khả năng đưa các khóa học chất lượng cao đến với nhiều người hơn nữa. Coursera cũng đang hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Microsoft, IBM và nhiều trường đại học danh tiếng như Stanford, Michigan và Pennsylvania để hiện thực hóa mục tiêu này.

Học hỏi quan trọng hơn chức danh và lương bổng
"Chúng ta đang có cơ hội không chỉ giáo dục những người dùng hiện tại mà còn tiếp cận hàng tỷ người sắp tham gia vào thế giới số" ông chia sẻ.
Với những người trẻ đang khao khát phát triển sự nghiệp, Greg Hart đưa ra lời khuyên tưởng chừng đơn giản nhưng lại đầy ý nghĩa. Ông cho rằng đừng quá bận tâm đến mức lương hay chức vụ mà hãy ưu tiên việc học hỏi và trau dồi kiến thức. Thành công sẽ đến khi mỗi người không ngừng hoàn thiện bản thân.
Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của Andy Jassy, CEO Amazon. Ông ví con đường sự nghiệp giống như một cuộc chạy marathon, cần sự bền bỉ và kiên nhẫn chứ không thể vội vàng.
Theo ông, việc khám phá nhiều lĩnh vực khác nhau để hiểu mình thật sự yêu thích điều gì và không phù hợp với điều gì cũng rất quan trọng. Sự kiên trì cùng một chút liều lĩnh đôi khi lại chính là chìa khóa để mở cánh cửa thành công.
"Hành trình sự nghiệp không cần phải xác định rõ ràng từ khi bạn mới 21 tuổi. Cứ thử, cứ học hỏi và đừng sợ vấp ngã" CEO Jassy chia sẻ.
Nguồn: Fortune, BI