Vào ngày 26/6, quyết định của Anna Wintour đã thu hút sự chú ý đặc biệt từ truyền thông. Theo thông báo từ Vogue, bà sẽ tiếp tục giữ vai trò Giám đốc biên tập toàn cầu của Vogue và Giám đốc nội dung toàn cầu của Condé Nast. Vị trí Tổng biên tập Vogue Mỹ (American Vogue) mà bà nắm giữ bấy lâu sẽ được thay thế bằng chức danh Giám đốc nội dung biên tập.
Wintour chia sẻ trong thông báo gửi đến đội ngũ Vogue: "Đây là khoảnh khắc tôi dồn toàn lực cho công ty. Tôi sẽ không chuyển văn phòng, cũng không di dời bất kỳ món đồ gốm Clarice Cliff nào của mình. Trong những năm tới, tôi sẽ tập trung hoàn toàn vào vai trò lãnh đạo toàn cầu, làm việc cùng đội ngũ các biên tập viên xuất sắc trên khắp thế giới, hỗ trợ họ bằng mọi cách có thể."
Anna Wintour, sinh năm 1949, được mệnh danh là một trong những nhân vật quyền lực nhất ngành thời trang toàn cầu. Với mái tóc bob và cặp kính râm đặc trưng, bà đã trở thành biểu tượng, được ca ngợi vì khả năng định hình xu hướng và hỗ trợ các nhà thiết kế trẻ. Tuy nhiên, bà cũng không ít lần nhận về những đánh giá vì tính cách lạnh lùng và yêu cầu khắt khe.
Gần 4 thập kỷ "cách mạng" Vogue Mỹ
Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Anna Wintour đã biến Vogue Mỹ từ một tạp chí đang dần mất đi sức hút trở thành một đế chế, không chỉ định hình xu hướng mà còn ảnh hưởng đến cả số phận của các nhà thiết kế. Bà đã phá vỡ nhiều rào cản, mang đến làn gió mới cho tạp chí thời trang nổi tiếng này.
Ngay từ số báo đầu tiên dưới sự dẫn dắt của bà vào tháng 11/1988, Wintour đã gây sốc khi chọn người mẫu Israel Michaela Bercu xuất hiện trên bìa với trang phục áo len cao cấp kết hợp cùng quần jeans đá rửa – lần đầu tiên một đôi jeans được xuất hiện trên bìa Vogue. Quyết định táo bạo này đã đặt nền móng cho hàng loạt thay đổi mang tính cách mạng sau này.
Wintour không ngại thử nghiệm và phá bỏ các chuẩn mực truyền thống. Bà thay thế những bức ảnh chụp trong studio cứng nhắc bằng những hình ảnh ngoài trời phóng khoáng, tập trung vào các góc chụp nửa thân trên. Đến năm 1992, bà tiếp tục phá vỡ truyền thống hơn 100 năm của Vogue khi đưa hình ảnh một người đàn ông, tài tử Richard Gere, lên bìa, cùng với siêu mẫu Cindy Crawford, vợ của ông khi đó.
Condé Nast tái cấu trúc và xu hướng mới của ngành thời trang
Việc Anna Wintour rời ghế Tổng biên tập Vogue Mỹ không phải là một tuyên bố nghỉ hưu, mà là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc toàn cầu của Condé Nast. Với vai trò Giám đốc nội dung toàn cầu của Condé Nast từ năm 2020, bà giám sát tất cả các ấn phẩm của tập đoàn trên toàn thế giới, bao gồm Vanity Fair, Wired, GQ, Architectural Digest, Bon Appétit và Condé Nast Traveler.
Vị trí Giám đốc nội dung biên tập mới tại Vogue Mỹ sẽ mở ra cơ hội cho các biên tập viên thời trang khác, đồng thời cho phép tạp chí thời trang quyền lực nhất thế giới khám phá những hướng đi mới. Sự thay đổi này đánh dấu một cột mốc quan trọng cho American Vogue, đặc biệt khi nhìn lại những bước tiến gần đây trong ngành.
Hai năm trước, Chioma Nnadi đã trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên dẫn dắt British Vogue, tiếp nối hành trình lịch sử của Edward Enninful, Tổng biên tập da màu đầu tiên của tạp chí này trong suốt 6 năm. Theo The New York Times, xu hướng xóa bỏ chức danh Tổng biên tập cũng đang xuất hiện tại các ấn phẩm khác của Condé Nast, cho thấy một sự chuyển mình mạnh mẽ trong ngành công nghiệp truyền thông và thời trang toàn cầu.